Hội chứng ruột kích thích là một hội chứng rối loạn ở ruột già thường gây ra đau bụng kèm táo bón hoặc tiêu chảy. Đây là một tình trạng mãn tính mà bạn cần phải kiểm soát dài hạn. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích để phòng ngừa căn bệnh thường gặp này.
1. Hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì?
Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome) là một rối loạn thường gặp có ảnh hưởng đến ruột già (đại tràng). Bệnh còn được gọi là đại tràng co thắt, đại tràng kích thích, viêm đại tràng tiết nhầy, và viêm đại tràng co thắt. Hội chứng ruột kích thích gây ra những cơn đau co thắt mạnh và khiến người bệnh thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, phân không ổn định, ăn uống không được thoải mái.
Cứ 100 người thì có 10 đến 15 người bị hội chứng ruột kích thích. Trong đó, một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân nữ chiếm tỷ lệ cao gấp hai lần so với bệnh nhân nam. Hội chứng ruột kích thích thường khởi phát ở lứa tuổi vị thành niên trở lên nhưng không loại trừ khả năng đến khi già, bệnh mới xuất hiện triệu chứng.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích
Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng ruột kích thích vẫn không xác định rõ, nhưng các chuyên gia sức khỏe tin rằng sự tương tác sai lệch giữa não và đường tiêu hóa là nguyên nhân gây ra triệu chứng co cơ bất thường gây nên tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, nhiều người mắc hội chứng ruột kích thích do có ruột non nhạy cảm một cách bất thường.
Nhìn chung, một trong những yếu tố sau sẽ gây ra triệu chứng bệnh:
- Thực phẩm: Mặc dù sự liên quan giữa dị ứng thực phẩm hoặc chứng không dung nạp lactose và hội chứng ruột kích thích chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng ở một số người, khi ăn một số thực phẩm nhất định có thể gây ra những triệu chứng ruột kích thích nghiêm trọng.
- Căng thẳng hoặc vấn đề tâm lý như ức chế tinh thần.
- Thay đổi hormone, chẳng hạn như do chu kỳ kinh nguyệt.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như khuẩn salmonella.
- Tác dụng phụ từ thuốc kháng sinh.
- Di truyền.
3. Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích
Các triệu chứng của IBS thường bao gồm:
- Chuột rút
- Đau bụng
- Đầy hơi và chướng bụng
- Táo bón
- Tiêu chảy
Một số người bị cả táo bón và tiêu chảy từng đợt, tuy nhiên tình trạng này không phổ biến. Các triệu chứng như chướng bụng thường biến mất sau khi bạn đi đại tiện. Các triệu chứng của IBS không phải lúc nào cũng kéo dài liên tục, chúng có thể hết, nhưng có thể tái phát.
4. Cách phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
Bạn có thể thực hiện các phương pháp sau để giảm thiểu nguy cơ của hội chứng ruột kích thích:
- Có chế độ ăn uống khoa học: Cố gắng ăn vào thời gian cố định trong ngày và không bỏ bữa.
- Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ như rau củ quả.
- Tránh các thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, thực phẩm khó dung nạp lactose, thực phẩm cay.
- Uống nhiều nước.
- Tránh các đồ uống có ga và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
- Không ăn thức ăn để lâu hoặc điều kiện bảo quản không tốt.
- Không ăn thức ăn khó tiêu, dễ gây đầy hơi: khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả nhiều đường như cam, quýt, xoài, mít.
- Sử dụng thuốc tiêu chảy và thuốc nhuận tràng theo kê toa của bác sĩ.
- Tập thể dục thường xuyên, cố gắng có những vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Luyện tập thư giãn, không để bị trầm cảm, lo lắng quá mức.
Tóm lại, hội chứng ruột kích thích rất khó điều trị khỏi hoàn toàn, chủ yếu phải sử dụng thuốc để làm giảm triệu chứng như thuốc chống tiêu chảy, táo bón hay giảm co thắt gây đau bụng.Vì thế, bạn cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau cải, tránh các loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, cay chua và các loại thức ăn gây kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá. Đồng thời, kết hợp vận động thể chất, tập luyện thể thao để cải thiện tình trạng sức khỏe.
Tại Viện Khoa Học và Sức Khỏe Nestlé, chúng tôi phát triển liệu pháp dinh dưỡng nhằm cải thiện các triệu chứng lâm sàng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
*Vui lòng tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết. Bài viết trên đây là thông tin trích từ tài liệu tham khảo và không thay thế khuyến nghị của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
PEPTAMEN
Nguồn tham khảo:
http://digestive.niddk.nih.gov/ddiseases/pubs/ibs/. Accessed December 2014.
* Bài viết không bao gồm tất cả nguy cơ và dấu hiệu hội chứng ruột kích thích, người bệnh có thể có những triệu chứng khác nhau.